Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020”. Năm 2013, Tỉnh uỷ cũng ban hành “Chương trình hành động số 19-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành T.Ư Đảng (khoá XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”.
Với vị trí địa lý và địa hình đặc trưng, Quảng Ninh là một trong những tỉnh ven biển nhạy cảm về BĐKH và có tính tổn thương tương đối cao đối với nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới… gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Người dân xã Đồng Rui (Tiên Yên) trồng rừng ngập mặn. |
Điển hình như tháng 11-2006 đã xảy ra trận lốc xoáy và mưa đá trên địa bàn TP Hạ Long và vùng phụ cận, làm 17 người chết, 32 tàu thuyền bị chìm, đổ 4 cần cẩu hạng nặng ở cảng Cái Lân, hàng trăm nhà dân và trụ sở cơ quan bị tốc mái, nhiều nhà cửa và cây xanh bị đổ. Năm 2008, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm khu vực trung tâm thị trấn Tiên Yên và một phần khu vực Ba Chẽ, gây thiệt hại nhiều nhà cửa và tài sản. Năm 2010, bão lớn kết hợp gió to tại TP Hạ Long đã khiến hàng trăm cây xanh bị đổ, hàng loạt biển quảng cáo bị đổ, nhà để xe tại chợ Cột 5 bị bão đánh sập hoàn toàn… Không những thế, bão lớn còn hất tung mái nhà của hai khu tập thể thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai (phường Bạch Đằng), khiến hàng chục người phải sơ tán, thiệt hại nhiều tài sản.
Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, hiện tượng sạt lở đất sau các trận mưa lớn thường xuyên xảy ra tại Hạ Long, Bình Liêu, gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa và công trình giao thông. Cùng với những hiện tượng trên, BĐKH còn dẫn đến sự thay đổi thành phần loài sinh vật tại các vùng cửa sông (đặc biệt cửa sông Cầm, sông Uông, sông Hà Cối, sông Ka Long) gây suy giảm loài và đa dạng sinh thái. Diện tích san hô và thảm cỏ biển Vịnh Hạ Long hiện đã bị suy giảm mạnh, nay chỉ còn ở ven một số đảo phía ngoài khơi…
Nhận thấy những tác động của BĐKH, sau khi Chính phủ ban hành Chương trình MTQG ứng phó với BĐKH vào năm 2008, Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu, ứng phó và thích ứng với tình trạng BĐKH như: Xây dựng, nâng cấp đê điều, cảng biển, trồng rừng ngập mặn, cảnh báo thiên tai nhằm phòng chống BĐKH. Tỉnh cũng tiến hành kiểm kê hiện trạng đất ngập nước bằng công nghệ viễn thám đa thời gian và GIS để phục vụ đề xuất định hướng phát triển BVMT và phòng chống thiên tai. Tích cực triển khai “Dự án hỗ trợ các phương thức sinh kế thích hợp thích ứng BĐKH tại các tỉnh phát triển nông thôn theo vùng lãnh thổ Thái Nguyên và Quảng Ninh” do Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ… Sau khi tích cực triển khai các giải pháp trên, chất lượng cuộc sống của người dân thuộc vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai đã được nâng lên. Đặc biệt là nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư đã thay đổi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc thực hiện các chỉ tiêu về thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vẫn chưa đạt theo Kế hoạch và Chương trình hành động do Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đề ra. Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí, dẫn đến việc dự án đã được phê duyệt đề cương và nhiệm vụ nhưng không triển khai được hoặc triển khai chậm. Đơn cử như trong Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH đã được ban hành có 20 dự án ưu tiên thực hiện, nhưng đến nay mới có 2 dự án hoàn thành, 2 dự án đang chờ bố trí vốn để thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Đức, Trưởng Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thuỷ văn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chỉ xét các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để ứng phó với BĐKH có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng nguồn vốn thì hạn hẹp. Tính đến nay, tỉnh mới bố trí ngân sách, vốn đối ứng gần 23 tỷ đồng để triển khai một số dự án. Do vậy nhiều nội dung, nhiệm vụ đã xác định ra, nhưng đều chờ các nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ mới xúc tiến, triển khai thực hiện. Mặt khác, do thiếu vốn nên hoạt động của Ban chỉ đạo hay Văn phòng thường trực làm công tác quản lý về BĐKH chưa có cơ chế rõ ràng về nguồn lực và kinh phí. Đặc biệt là công tác tuyên truyền về BĐKH chưa được quan tâm về nguồn lực và vật lực, nên khi xem xét triển khai các nội dung, nhiệm vụ xét riêng trong từng ngành, lĩnh vực thì những nội dung nhằm ứng phó với BĐKH chưa được ưu tiên lên hàng đầu…
Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ứng phó với BĐKH, vừa qua, Sở TN&MT đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh, kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí một tỷ lệ % nhất định nguồn thu ngân sách Trung ương và địa phương, hoặc trích từ nguồn sự nghiệp môi trường để đảm bảo cho các hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống BĐKH. Đồng thời, các thể chế và chính sách cần được cụ thể hoá từ Trung ương đến địa phương và cũng cần phải có quy chế phối hợp rõ ràng từ khâu đề xuất, lựa chọn, đến phê duyệt Đề cương nhiệm vụ, cấp vốn, triển khai thực hiện… Thiết nghĩ, trong khi chờ đợi Chính phủ sớm tháo gỡ những khó khăn trên, để giảm bớt những thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp ngành cần sớm bố trí vốn đối với những dự án đã được phê duyệt và đưa những nội dung, nhiệm vụ nhằm ứng phó BĐKH lên hàng đầu.
Hoàng Nga