Cùng với các ngành, địa phương trong tỉnh, ngành Y tế đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm hoàn thiện hệ thống y tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó ngành còn chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ ở các đơn vị y tế để phục vụ tốt nhất nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân trong tỉnh.

Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức Tích cực - chống độc và Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức Tích cực - chống độc và Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bước tiến toàn hệ thống

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 45 đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện; 2 đơn vị quản lý nhà nước theo chuyên ngành; 10 phòng khám đa khoa khu vực và 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 1 bệnh viện tuyến T.Ư, 2 đơn vị y tế ngành Than và hơn 1.000 cơ sở y tế tư nhân.

Được sự quan tâm, đầu tư của T.Ư, của tỉnh, đến nay hầu hết các bệnh viện trên địa bàn được nâng cấp khang trang. Những bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy đều được nâng cấp mở rộng với các toà nhà hiện đại, tiện dụng. Mới đây nhất, tỉnh đã khai trương, đưa Bệnh viện Sản Nhi có quy mô 200 giường bệnh vào hoạt động, giúp người dân thêm sự lựa chọn, được khám, chữa bệnh ở những cơ sở chuyên sâu, được đầu tư các trang, thiết bị hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.000 giường bệnh thuộc các đơn vị y tế do tỉnh quản lý.

Hệ thống máy móc, thiết bị y tế ở các đơn vị có sự đổi thay đáng kể. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đều có những máy móc y tế phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị chuyên sâu như: Máy chụp cộng hưởng từ, máy citi 128 lát, giàn phẫu thuật nội soi; hệ thống xét nghiệm kỹ thuật số tự động; hệ thống sàng lọc máu liên tục… Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư một loạt các trang thiết bị hiện đại, trong đó có nhiều thiết bị phục vụ cho lĩnh vực tim, mạch từ Dự án vay vốn ODA của Chính phủ Áo. Khối dự phòng cũng ngày càng phát huy tốt vai trò phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.

Không chỉ về cơ sở vật chất, trang thiết bị; nhân lực của ngành Y tế cũng được nâng cao chất lượng với hơn 1.000 bác sĩ trong tổng số gần 5.000 cán bộ, nhân viên, lao động toàn ngành. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được những kỹ thuật chuyên sâu của bệnh viện tuyến T.Ư, như: Lọc máu liên tục, phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối toàn phần; phẫu thuật lấy máu tụ trong nhu mô não, dưới màng cứng, ngoài màng cứng; phẫu thuật u não, cột sống; phẫu thuật nội soi cắt tử cung hoàn toàn hoặc kết hợp đường âm đạo, phẫu thuật nội soi buồng tử cung… Các bệnh viện tuyến huyện cũng đã thực hiện được một số kỹ thuật của tuyến trên, như: Chạy thận nhân tạo, các kỹ thuật nội soi… Nhờ vậy, thay vì phải lặn lội lên tận tuyến T.Ư, người dân có thể điều trị ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện một cách tiện dụng nhất.

Quan tâm mạng lưới cơ sở

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế nhằm giúp người dân được hưởng dịch vụ y tế gần nơi mình sinh sống luôn là mục tiêu mà ngành Y tế tỉnh quan tâm, đưa vào quy hoạch phát triển của ngành.

Để tận dụng tối đa, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có trên địa bàn, dự kiến thời gian tới, ở tuyến huyện, ngành sẽ sáp nhập bệnh viện vào trung tâm y tế để tăng cường nguồn lực cho khối dự phòng. Trên cơ sở sáp nhập này, các trung tâm y tế sẽ được nâng cấp mở rộng đảm bảo đáp ứng 90% nhu cầu khám chữa bệnh thông thường và trên 50% nhu cầu khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao tại tuyến cơ sở. Trạm y tế tuyến xã được sắp xếp, chuyển đổi một số chức năng hoạt động sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, như: Tăng cường chức năng khám, chữa bệnh ở những xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn; đẩy mạnh chức năng quản lý hành nghề y tế tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm… ở những trạm gần cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh.

Ngành cũng sẽ phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh; tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hoá các loại hình khám, chữa bệnh, khuyến khích hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác để người dân có thêm nhiều sự lựa chọn. Các bệnh viện trên địa bàn (kể cả Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) tiếp tục được nâng cấp mở rộng đưa quy mô lên 5.750 giường bệnh vào năm 2015 và lên 8.510 giường bệnh vào năm 2020.

Nhân lực y tế tiếp tục được đào tạo, nâng cao chất lượng với mục tiêu phấn đấu đạt 10,5 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015 và 12 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020 (hết năm 2014 đạt hơn 9,5 bác sĩ/10.000 dân). Theo đó, ngành đề ra mục tiêu, đến năm 2020, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện được các kỹ thuật theo danh mục phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế; một số cơ sở thực hiện được các kỹ thuật vượt tuyến. Mặc dù với dự kiến thu gọn đầu mối, song việc nâng cao chất lượng dịch vụ ở tuyến y tế cơ sở, nơi gần dân nhất, chắc chắn người dân sẽ được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ một cách tốt hơn.

Thu Nguyệt

Sưu tầm bởi ViệtWeb.Vn - Nguồn: Internet

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: