Trước thông tin Tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Bộ Y tế đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù Cục ATVSTP khẳng định: Sản phẩm dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sốt thịt cay đóng hộp (nghi nhập vào Việt Nam) chưa lưu hành trên thị trường, song người dân vẫn có tâm lý lo lắng. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo Quảng Ninh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Chung, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế).

Đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương và tỉnh kiểm tra hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam lưu hành trên địa bàn TP Cẩm Phả.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương và tỉnh kiểm tra hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam lưu hành trên địa bàn TP Cẩm Phả.

- Thưa ông, thông tin Tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất, kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp và đã có doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sản phẩm của Công ty này. Vậy loại thực phẩm này đã có mặt trên địa bàn tỉnh chưa?

+ Qua theo dõi phương tiện thông tin đại chúng và qua trao đổi cùng các đồng nghiệp trên Bộ Y tế, tôi được biết, ngày 10-9-2014, sau khi biết thông tin về việc Tập đoàn Chang Guann của Đài Loan sản xuất và kinh doanh dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp, Cục ATVSTP đã tiến hành rà soát danh sách các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan được công bố để nhập khẩu vào Việt Nam. Qua rà soát, chưa phát hiện có sản phẩm nào đã công bố được nhập khẩu vào Việt Nam ở thời điểm đó. Tuy nhiên, ngày 15-9, Cục ATVSTP nhận được thông tin từ Văn Phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Hà Nội thông báo có 1 công ty của Việt Nam đã nhập sản phẩm dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sản phẩm sốt thịt cay đóng hộp của Tập đoàn Chang Guann (Đài Loan) có chứa dầu ăn bẩn. Sáng 16-9, Chi cục ATVSTP thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra tại công ty trên. Qua kiểm tra kho hàng và tờ khai hàng hoá nhập khẩu, tờ khai hải quan điện tử của công ty, Đoàn không tìm thấy sản phẩm có chứa dầu ăn bẩn. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, chưa bao giờ nhập khẩu 2 loại sản phẩm như đã nêu. Từ đầu năm 2011 đến nay, Cục ATVSTP chưa cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm cho sản phẩm dưa chuột trộn thịt lợn đóng hộp và sản phẩm sốt thịt cay đóng hộp của Tập đoàn Chang Guann (Đài Loan).

Qua rà soát, Cục ATVSTP cũng chưa phát hiện các sản phẩm sản xuất từ mỡ bẩn của Đài Loan lưu hành trên thị trường trong nước. Tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước và trên địa bàn tỉnh đã kịp thời đăng thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng. Mặt khác, Sở Y tế, đơn vị thường trực trong Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh đã đề nghị Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các sản phẩm dầu ăn và các sản phẩm từ dầu ăn của Đài Loan, kịp thời phát hiện những sản phẩm nghi ngờ chế biến bằng dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp của Tập đoàn Chang Guann, từ đó yêu cầu tạm dừng lưu hành và tiêu huỷ sản phẩm. Đến nay, chúng tôi cũng chưa nhận được thông tin có các sản phẩm này lưu hành trên thị trường tỉnh.

- Vậy dầu ăn được tái chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng như thế nào, thưa ông?

+ Việc sử dụng dầu mỡ bẩn vào trong công nghiệp thực phẩm bị cấm tuyệt đối. Không những thế, nước thải từ cống rãnh chứa rất nhiều vi khuẩn, chất độc hại. Bởi vậy, dầu ăn chế từ váng dầu cống rãnh và rác thải nhà bếp có chứa nhiều chất độc. Người ăn nhiều, nồng độ cao có thể bị ngộ độc cấp tính hoặc nếu dùng lâu sẽ gây các bệnh mạn tính nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này.

- Thưa ông, rất nhiều người dân băn khoăn với câu hỏi, trong những năm gần đây, có nhiều loại thực phẩm “bẩn” từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam và có mặt trên địa bàn tỉnh hay không? Cơ quan chức năng xử lý vấn đề này ra sao?

+ Những năm qua cũng có các thông tin về thực phẩm “bẩn” từ nước ngoài nhập khẩu vào các nước, trong đó có Việt Nam, như: Vụ sữa có chứa melamine từ Trung Quốc vào năm 2008; chất phụ gia tạo độ đục nhập khẩu từ Đài Loan để chế biến thạch rau câu năm 2011… Khi có những thông tin này, Bộ Y tế thông báo đến các tỉnh, thành phố để tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý thực phẩm “bẩn” nhập khẩu từ nước ngoài về theo đúng quy định.

Về phía Chi cục ATVSTP, chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin từ Cục ATVSTP (Bộ Y tế) để tham mưu cho Sở Y tế; từ đó, Sở Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện mọi biện pháp sớm nhất có thể để thực phẩm “bẩn” từ nước ngoài không tràn vào thị trường của tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Sưu tầm bởi ViệtWeb.Vn - Nguồn: Internet

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: