Từ lâu, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn đang là bài toán làm đau đầu các cơ quan quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã triển khai nhiều giải pháp mới trong xử lý rác sinh hoạt, bước đầu ghi nhận được những hiệu quả.

Chị Đặng Thị Thu (thôn 4, xã Quảng La) xử lý rác sinh hoạt tại bể xử lý rác của gia đình do xã hỗ trợ xây dựng.
Chị Đặng Thị Thu (thôn 4, xã Quảng La) xử lý rác sinh hoạt tại bể xử lý rác của gia đình do xã hỗ trợ xây dựng.

Quảng La là xã miền núi, khó khăn của huyện Hoành Bồ, hiện có 720 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Trước đây, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã được thực hiện theo hình thức thu gom theo giờ. Xã hỗ trợ một phần kinh phí để tổ thu gom rác thải trang sắm phương tiện, còn lại phải tự cân đối thu chi, tổ chức thu phí vệ sinh từ người dân để xử lý rác. Tuy nhiên, cách làm này bộc lộ nhiều hạn chế đối với một xã miền núi có dân cư không tập trung. Do có khá nhiều hộ dân sống rải rác, khiến xe thu gom không vào được tận nơi, người dân tự xử lý rác thải một cách tuỳ tiện, các bãi rác tự phát “mọc” lên khắp nơi. Thêm nữa, do thu gom theo giờ, nhiều hộ dân không có nhà vào giờ đổ rác, rác thải chưa qua phân loại được tập trung ra lề đường, trước cửa nhà, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng này, xã đã tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ cho người dân vật liệu để xây dựng bể xử lý rác thải sinh hoạt, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Đến nay, xã có 440 hộ dân đăng ký xây bể xử lý rác sinh hoạt, quá nửa số đó đã đưa vào sử dụng. Để hỗ trợ người dân sử dụng bể xử lý rác hiệu quả, xã tổ chức các lớp tập huấn phân loại rác thải và ứng dụng công nghệ xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Theo đó, với những rác khó tiêu huỷ như túi ni lông, vật liệu nhựa đều được gom vào bể riêng để đốt; sau đó sàng lọc tro xỉ để làm phân bón ruộng. Với các loại rác hữu cơ sẽ được ủ trong bể xử lý bằng việc phun chế phẩm sinh học, sau 48 giờ, rác hữu cơ sẽ phân huỷ thành phân, bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Ông Đỗ Mạnh Chung, Chủ tịch UBND xã Quảng La, cho biết: “Từ khi triển khai bể xử lý rác thải tại gia đình, lượng rác thu gom đã giảm đáng kể, môi trường được đảm bảo, hiện tượng vứt rác bừa bãi ra đường đã được hạn chế. Nếu trước đây, trung bình mỗi ngày tổ thu gom rác thải phải thu gần 3 tấn rác, thì nay lượng rác thu gom đã giảm 50%. Lý do là người dân đã chủ động phân loại, xử lý, tận dụng rác làm phân hữu cơ. Việc xử lý rác này đã tiết kiệm chi phí và giải quyết được tình trạng quá tải tại các bãi rác tập trung. Bên cạnh đó, còn giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống”.

Cách làm này của xã Quảng La đã cơ bản giải quyết được các điểm ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn, tình trạng vứt rác bừa bãi được hạn chế. Cách làm này rất cần được nhân rộng.

Đỗ Linh

Sưu tầm bởi ViệtWeb.Vn - Nguồn: Internet

 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: