Bạn đọc có địa chỉ mail Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó. có gửi thư đến chuyên mục “Tư vấn sức khoẻ” Báo Quảng Ninh, hỏi: “Thời gian gần đây, lòng bàn tay tôi bị bong từng lớp, các lớp bong có màu trắng. Mỗi lần rửa tay vào nước xà phòng, nước rửa bát, hiện tượng bong tróc càng nặng. Mọi người bảo tôi bị bệnh vẩy nến lòng bàn tay. Vậy cho tôi hỏi, bệnh này có chữa trị được không? Và điều trị nó như thế nào?”.

Soi mẫu bệnh phẩm phát hiện bệnh ngoài da tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt
Soi mẫu bệnh phẩm phát hiện bệnh ngoài da tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt

Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Bệnh thường gặp ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Tỷ lệ bệnh vảy nến chiếm khoảng 2-3% dân số tuỳ theo từng khu vực. Tuổi khởi phát bệnh gặp nhiều vào khoảng 20-40 tuổi, tỷ lệ mắc ở nam và nữ là ngang nhau.

Căn nguyên của bệnh vảy nến hiện chưa rõ. Nhiều tác giả cho rằng, vảy nến là bệnh do rối loạn miễn dịch và có yếu tố di truyền. Hình thái lâm sàng của bệnh vảy nến đa dạng, ngoài thương tổn da, còn có thương tổn niêm mạc, móng và khớp xương. Nhiều trường hợp do ảnh hưởng của thuốc điều trị, hình ảnh lâm sàng của bệnh thay đổi nên rất khó chẩn đoán.

Triệu chứng điển hình là những dát đỏ kích thước khác nhau, tròn hoặc bầu dục, hoặc nhiều hình vòng cung, giới hạn rõ với da lành, trên phủ vảy da dễ bong. Đặc điểm của vảy da là: Khô, gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau, màu trắng đục như xà cừ hoặc có màu xỉn; phủ kín toàn bộ dát đỏ hay một phần; thường để lại vùng ngoại vi; không đau; hiếm khi ngứa. Vị trí thường gặp ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ xát như: Khuỷu tay, đầu gối, mấu chuyển, mặt duỗi tay chân, chỗ bị sang chấn hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi. Thương tổn có khuynh hướng đối xứng.

Trên thực tế có một số yếu tố làm cho bệnh nặng hơn như: Tiền sử mắc bệnh mạn tính; chấn thương; nhiễm khuẩn; những stress gây suy sụp về thể chất và tinh thần; rối loạn nội tiết, chuyển hoá; béo phì; nghiện rượu, thuốc lá; sử dụng thuốc, đặc biệt là corticoid, các đông nam dược không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến… Bệnh tiến triển từng đợt, xen kẽ những đợt bùng phát là thời kỳ tạm lắng. Khi thương tổn biến mất hoàn toàn gọi là “vảy nến thể yên lặng”, hoặc chỉ có một vài mảng thương tổn khu trú ở vị trí nào đó, tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm gọi là “vảy nến ổn định”. Vì vậy, khi sạch thương tổn cũng không thể coi là bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Bệnh vảy nến có thể dẫn đến một số biến chứng như: Chàm hoá; lichen hoá; bội nhiễm; ung thư da; đỏ da toàn thân, nhất là những trường hợp sử dụng thuốc corticoid không đúng. Vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp, cứng khớp, nhất là cột sống.

Bệnh vảy nến thường không làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, cần có chiến lược điều trị lâu dài và phù hợp. Điều trị vảy nến gồm hai giai đoạn: Giai đoạn tấn công nhằm xoá sạch tổn thương và giai đoạn duy trì sự ổn định, giữ cho bệnh không bùng phát. Điều quan trọng là bệnh nhân phải được tư vấn cho hiểu rõ về bệnh vảy nến để phối hợp với thầy thuốc khi điều trị cũng như dự phòng bệnh bùng phát.

Tuỳ theo tình trạng bệnh, thầy thuốc có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân, hoặc phối hợp cả hai. Tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bạt sừng bong vảy, khử oxy và chống viêm như: Mỡ Goudron, Dithranol, Anthralin, mỡ Salicyle 3-5%, Cancipotriol (dẫn chất của vitamin D3); kem, mỡ hoặc gel vitamin A acid, kem Kẽm oxyt, mỡ, kem corticoid; Quang trị liệu... Toàn thân có thể dùng các thuốc như: Vitamin A acid, Methotrexat, Cyclosporin A. Tuy nhiên, các loại thuốc trên có nhiều tác dụng phụ như: Gây quái thai, rối loạn chức năng gan, thận, giảm bạch cầu… Vì vậy, phải thận trọng khi chỉ định và phải theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.

Corticoid chỉ sử dụng khi thật cần thiết và phải cân nhắc lợi hại. Không nên lạm dụng và dùng kéo dài vì sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt gây đỏ da toàn thân hay vảy nến thể mủ.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào chữa khỏi hoàn toàn được bệnh vảy nến. Nhưng nếu vận dụng và phối hợp các phương pháp điều trị một cách hợp lý, cùng với việc bệnh nhân tuân thủ các chỉ định điều trị và có một chế độ sinh hoạt điều độ thì có thể duy trì được sự ổn định của bệnh, hạn chế được các đợt bệnh bùng phát, cải thiện được chất lượng cuộc sống. Với trường hợp của bạn hỏi, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để xác định chính xác bệnh cũng như bác sĩ có thể tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả, hợp lý. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh là một cơ sở y tế chuyên khoa trên địa bàn thực hiện khám và điều trị các bệnh da liễu, trong đó có bệnh vẩy nến.

Bác sĩ: Đoàn Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh

Sưu tầm bởi ViệtWeb.Vn - Nguồn: Internet


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: