Thiết kế website VietWeb.Vn - DaHinh.Com
Thông báo chỉ đạo: |
Bạn đọc Vũ Quốc Đạt (phường Hà Tu, TP Hạ Long) hỏi: “Con tôi học mẫu giáo. Đợt này thấy trường cháu có một số bạn bị bệnh tay chân miệng (TCM) nên tôi rất lo. Nhờ Báo Quảng Ninh hỏi bác sĩ tư vấn giúp tôi: Bệnh có dễ lây không, có nguy hiểm không và có cách nào để phòng bệnh lâu dài không?”. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tư vấn giúp bạn.
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) hướng dẫn học sinh lớp 5 tuổi rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Ảnh: Cầm Khuê |
- Thưa bác sĩ, hiện các tỉnh, thành trong nước xuất hiện rất nhiều trẻ nhỏ bị bệnh TCM, vậy tình hình bệnh này trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ra sao?
+ Ở nước ta, bệnh TCM lưu hành quanh năm, tỷ lệ mắc tăng mạnh ở 2 đợt: Từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng12. Bởi vậy, thời gian này đang là mùa của bệnh TCM.
Hiện rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước xuất hiện bệnh TCM, chủ yếu là trẻ nhỏ. Riêng với Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 96 trường hợp mắc TCM, rải rác ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, tập trung nhiều nhất ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch TCM, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn cộng đồng, các trường học biện pháp phòng tránh lây bệnh cho học sinh, trẻ nhỏ; yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi, tiếp nhận, điều trị cho các trường hợp bị TCM để phòng biến chứng có thể xảy ra. Công tác tập huấn phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch TCM ở các trường học đã được Sở Y tế phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hàng năm.
- Như bạn đọc đã trao đổi, xin bác sĩ cho biết bệnh này có nguy hiểm không và dấu hiệu nào để biết trẻ bị bệnh?
+ Bệnh TCM là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ nhỏ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Thời kỳ ủ bệnh từ 3-7 ngày. Bệnh lây truyền bằng đường “phân - miệng” và chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt… của bệnh nhân trên đồ chơi, bàn ghế, nền nhà… Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Đặc biệt trong số vi rút gây bệnh, tác nhân EV 71 được xem là nguy hiểm nhất vì thường gây ra các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong.
- Làm thế nào để phòng bệnh TCM tốt nhất, thưa bác sĩ?
+ Bệnh TCM chưa có vắc-xin phòng ngừa, bởi vậy, để chủ động phòng bệnh, mọi người, kể cả người lớn và trẻ em cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng, sức đề kháng. Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn; sau khi đi vệ sinh và đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ.
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khoẻ để kịp thời phát hiện, điều trị và cách ly để tránh lây lan cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và bản thân các gia đình có trẻ nhỏ cần thường xuyên vệ sinh lớp học, nhà cửa, đồ chơi của trẻ. Với những lớp có trẻ bị TCM cần lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường theo hướng dẫn của y tế. Khi nghi ngờ trẻ bị TCM, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ và theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ nhằm tránh những biến chứng có thể xảy ra.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (Thực hiện)
Sưu tầm bởi wWw.VietWeb.Vn - Nguồn: Báo điện tử Quảng Ninh
Hôm nay | 110 | |
Hôm qua | 382 | |
Tuần này | 2353 | |
Tuần trước | 2476 | |
Tháng này | 8497 | |
Tháng trước | 11145 | |
Lượt truy cập thứ | 303443 |