Ngành Y tế Quảng Ninh: Sẵn sàng các phương án điều trị bệnh nhân Covid-19
( 8/25/2020)
Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Sở Y tế Quảng Ninh đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải luôn chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống ở mức cao nhất, trong đó xây dựng các phương án tiếp nhận khi có bệnh nhân mắc Covid-19.
Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy là nơi tiếp nhận, cách ly, điều trị cho các bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc Covid-19 (nếu có).
Từ tháng 2/2020, Tiểu ban điều trị Covid-19 (Sở Y tế) đã xây dựng kế hoạch, phương án đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh, kế hoạch thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 và củng cố với 10 tổ chuyên môn cao.
Từ giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh ngay lập tức thành lập bệnh viện số 1 (tại TTYT TP Móng Cái) và số 2 (tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh). Hệ thống trang thiết bị của 2 bệnh viện được trang bị mới, hiện đại và công suất lên tới 1.000 giường bệnh; đã tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho người dân trước cuộc chiến chống dịch bệnh. Ngành Y tế cũng xây dựng kịch bản thiết lập bệnh viện số 3 trong trường hợp cần thiết.
Bệnh viện số 2 đã được tỉnh và ngành Y tế quan tâm đầu tư, trang bị các loại máy móc, thiết bị y tế mới, hiện đại, như: Máy thở, máy chụp X-quang tại chỗ, moniter, hệ thống lọc máu... Bệnh viện đã có phòng cách ly áp lực âm, phục vụ hiệu quả trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ngoài ra, Bệnh viện cũng chủ động thiết lập thêm các phòng phẫu thuật, thủ thuật, phục vụ cấp cứu bệnh nhân Covid-19 mắc các bệnh nền khác ngay tại chỗ, hạn chế chuyển viện.
Cùng với đó là sự sẵn sàng lăn xả, xung phong làm việc của các y, bác sĩ tại Bệnh viện số 2. Nhờ đó, 3 bệnh nhân mắc Covid-19 ở giai đoạn trước đã được điều trị thành công tại Bệnh viện số 2. Đồng thời các y, bác sĩ đã chăm sóc chu đáo sức khỏe cho hàng trăm người bệnh nghi ngờ mắc Covid-19.
Bệnh viện số 2 bố trí giường bệnh điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng phải thở máy.
Ngoài thành lập 2 bệnh viện cách ly đặc biệt, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh cũng bố trí các khoa phòng riêng biệt, cùng các trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, đơn vị đã bố trí khoa Bệnh Nhiệt đới là nơi tiếp nhận, cách ly, điều trị cho các bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 và có thể điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nếu có.
Bác sĩ Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch, Khoa đã được trang bị thêm máy siêu âm và máy chụp X.quang tại chỗ, máy thở cho bệnh nhân nặng, cùng 100 giường bệnh. Đội ngũ y, bác sĩ phòng chống dịch chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó cho việc tiếp nhận, điều trị các ca bệnh từ nghi ngờ đến nhiễm Covid-19 ở mức độ nhẹ, đến mức độ bệnh nặng phải thở máy, thậm chí thở máy dài ngày.
Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy được trang bị máy siêu âm tại chỗ để khám cho người bệnh đang cách ly tại đây.
Trước tình hình mới của dịch Covid-19, nhận được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Bãi Cháy cũng đã kích hoạt lại hệ thống chống dịch của đơn vị. Theo đó, tất cả bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt, chảy mũi, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người đều được phân luồng đi theo lối riêng, cách biệt với lối đi chung.
Phòng khám sàng lọc Covid-19 được Bệnh viện bố trí ngay tại cổng, tách biệt hoàn toàn với khu khám bệnh chung, đảm bảo không để lọt bệnh nhân nghi nhiễm vào trong bệnh viện. Tất cả người đến khám có triệu chứng ho, sốt đều được khám sàng lọc và đưa lên xe vận chuyển đến Khoa Bệnh nhiệt đới để cách ly, điều trị riêng biệt.
16 đội phản ứng nhanh, 26 đội vận chuyển cấp cứu ngoại viện và 10 tổ chuyên môn cao được thành lập và sẵn sàng tham gia điều động hỗ trợ các tuyến trong toàn tỉnh khi có dịch. Tham gia vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, toàn ngành đã vào cuộc với 7.000 y, bác sĩ, bao gồm cả hệ thống y tế công lập, tư nhân.
Theo Sở Y tế, toàn ngành hiện có 17 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn sàng phục vụ công tác thu dung, cách ly, điều trị Covid-19, với 1.207 giường bệnh và có thể nâng lên hàng nghìn giường bệnh khi cần thiết.
Ngành Y tế cũng được đầu tư thêm trang thiết bị về máy thở, hệ thống tim phổi nhân tạo, hệ thống siêu lọc máu, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, phòng áp lực âm, xe cấp cứu hiện đại...
Bệnh viện Đa khoa tỉnh trang bị thêm thiết bị đo thân nhiệt từ xa phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch.
Cùng với sự đầu tư của tỉnh, ngành còn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, như phòng cách ly âm, khẩu trang, quần áo chống dịch, kính nhựa bảo hộ, găng tay y tế, nước sát khuẩn tay nhanh, xà phòng, nước súc miệng,... nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân và nhân viên y tế cùng các lực lượng liên ngành khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
Nhờ sự chủ động, sẵn sàng mà từ khi dịch xuất hiện đến nay, các cơ sở y tế của Quảng Ninh đã cách ly, điều trị cho gần 2.000 người nghi mắc Covid 19 và điều trị thành công cho 3 người mắc Covid-19. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không còn ca dương tính với Covid-19, nhưng nguy cơ xâm nhập vào tỉnh vẫn rất cao. Các cơ sở y tế của Quảng Ninh đã xác định rõ điều đó và luôn quyết tâm đoàn kết, phát huy trí tuệ để tiếp tục giành chiến thắng trước đại dịch.
Nguyễn Hoa - https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/dichcorona/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=93325
|
Bộ Y tế phát động Chiến dịch truyền thông “Niềm tin chiến thắng”
Ngày 06/8/2020, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp “Niềm tin chiến thắng” kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi mọi tầng lớp người dân cùng thực hiện đầy đủ các biện phòng, chống dịch bệnh và xây dựng lối sống phù hợp, tạo thói quen có lợi sức khỏe để chung sống với dịch, thiết lập cuộc sống bình thường trong trạng thái mới, vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, truyền đi thông điệp đoàn kết, kêu gọi hành động, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội đồng tâm hiệp sức chống dịch.
GS. TS.Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Đây là chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong giai đoạn mới. Bộ Y tế mong muốn kêu gọi mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh thiếu niên cần nâng cao ý thức, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Từ đó, chia sẻ những trải nghiệm của mình để thay đổi nhận thức và thói quen có lợi cho sức khỏe, xây dựng cuộc sống bình thường trong trạng thái mới. Chúng tôi hy vọng, chiến dịch sẽ tạo động lực để mọi người cống hiến, chia sẻ và lan tỏa yêu thương đến mọi tầng lớp chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Đoàn kết, đồng lòng chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh này.
Trong giai đoạn 1 chống dịch COVID-19, Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực được thế giới công nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, sau 99 ngày không có ca mắc COVID-19, ngày 25/7/2020, Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và sau đó đã ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác, cho thấy dịch bệnh có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng. Với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”, vừa ưu tiên kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, vừa tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế xã hội, chính quyền các cấp, ngành Y tế và toàn bộ hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực để khống chế dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, cần sự đoàn kết, ủng hộ của các tầng lớp trong xã hội để chung sức chiến thắng đại dịch COVID-19.
Chiến dịch do Bộ Y tế phối hợp cùng 8 đơn vị đồng hành sẽ diễn ra từ ngày 06/8/2020 đến 30/9/2020, với nhiều hoạt động phong phú như: Chương trình đối thoại với các nhà tâm lý, chuyên gia, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội về thay đổi nhận thức, chuẩn bị tâm lý, hình thành thói quen mới trong cuộc sống để chung sống với dịch bệnh, thiết lập cuộc sống trong trạng thái mới; Khuyến khích mọi người dân tham gia Thử thách “Bạn đã chống dịch như thế nào?”chia sẻ trải nghiệm, tinh thần lạc quan chống dịch của mình thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội của Bộ Y tế) và các nền tảng truyền thông, App ứng dụng khác.
Chương trình có sự hỗ trợ của Sự hỗ trợ, đồng hành của hàng trăm nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên, hoa hậu, cầu thủ, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội truyền đi thông điệp phòng, chống dịch bệnh, tham gia các hoạt động xã hội, các dự án vì cộng đồng,… với nhiều hình thức thể hiện khác nhau như show ca nhạc trực tuyến, MV ca nhạc Vững tin Việt Nam, Cuộc thi Rapper, Game, giao lưu trực tuyến, ký sự, bài viết, video,…
Chiến dịch truyền thông “Niềm tin chiến thắng” cùng thực hiện những hành động cụ thể:
1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đến nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7. Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.
8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại website https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình. https://www.bluezone.gov.vn/
Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, không kỳ thị và phân biệt đối xử với người mắc và người nghi ngờ mắc bệnh./.
Nguồn: http://giadinh.net.vn/y-te/bo-y-te-phat-dong-chien-dich-niem-tin-chien-thang-keu-goi-toan-dan-chung-tay-phong-chong-covid-19-20200806152543079.htm
|
Chiều ngày 22/4/2020, tại thành phố Hạ Long, Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2020”. Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Giám đốc; đại diện BHXH tỉnh; các Phòng, Ban chức năng Sở Y tế; Thường trực Công đoàn ngành; Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc dự họp tại 21 điểm cầu trong tỉnh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng nhanh. Tại Việt Nam đã bước đầu kiểm soát thành công tình hình dịch bệnh được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với Quảng Ninh, trong hơn 3 tháng qua, cùng với toàn tỉnh, ngành Y tế đã nỗ lực, quyết liệt, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Với phương châm “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), trong đó lấy công tác chủ động phòng chống, giám sát là cơ bản. Đồng thời, có các phương án chi tiết, cụ thể với các kịch bản ở các cấp độ bệnh dịch khác nhau; nhờ đó tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, 02 ca bệnh Sars-CoV-2 tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh đã được công bố điều trị khỏi bệnh và đang tiếp tục được cách ly theo dõi. Đặc biệt, Quảng Ninh cũng là một trong số những địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Y tế công nhận, cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định vi rút Sars-CoV-2, góp phần phát hiện sớm, chính xác các tác nhân gây bệnh, hỗ trợ kịp thời cho công tác triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch.
02 bệnh nhân được điều trị khỏi Covid-19 tại Bệnh viện số 2 Hạ Long
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ bệnh dịch Covid-19, trong 3 tháng đầu năm 2020, các hoạt động vẫn được triển khai theo kế hoạch. Công tác tiêm chủng được thực hiện đảm bảo an toàn. Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người và các bệnh truyền qua thực phẩm. Các chương trình mục tiêu về y tế, dân số được triển khai thực hiện có hiệu quả. Hoạt động khám, chữa bệnh được duy trì tốt ở tất cả các tuyến. Quý I/2020, toàn Ngành đã tổ chức khám cho 470.013 lượt bệnh nhân, bằng 92,5% so với cùng kỳ năm 2019; điều trị nội trú cho 63.764 lượt bệnh nhân, bằng 88,14% so với cùng kỳ năm 2019; công suất sử dụng giường bệnh bình quân đạt 81,61%,…
Tại hội nghị, các đại biểu, đơn vị đã tập trung thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: vấn đề thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế; xây dựng các phương án phòng, chống bệnh dịch; vấn đề đảm bảo nguồn thu tại các đơn vị tự chủ trước ảnh hưởng của dịch bệnh; việc cơ cấu, luân chuyển đội ngũ nhân lực đảm bảo nhiệm vụ trong ngành,…
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc sở Y tế chỉ đạo: Trong quý II/2020, các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện chủ đề công tác năm của Tỉnh về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững”; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Đối với công tác y tế dự phòng, toàn ngành Y tế tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên cho việc triển khai các giải pháp cấp bách để kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19; phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ngành, địa phương tổ chức giám sát, cách ly và kiểm soát triệt để nguy cơ lây lan dịch bệnh; huy động sự tham gia vào cuộc của hệ thống y tế tư nhân, y tế doanh nghiệp, trường học,... đảm bảo trang thiết bị, nhân lực thực hiện phòng chống dịch bệnh. Với công tác khám chữa bệnh cần duy trì, thực hiện tốt, đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp tục tích cực tham mưu giải pháp đảm bảo đáp ứng đủ kinh phí, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư,...chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để ứng phó với cấp độ của dịch bệnh và nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, đồng chí Giám đốc Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động chuyên môn và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ; tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án đầu tư theo kế hoạch; thực hiện đầu tư, mua sắm, tiếp nhận, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực về kinh phí, trang thiết bị, vật tư,... đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy trình theo quy định của pháp luật; quan tâm củng cố, đảm bảo chất lượng hoạt động chuyên môn cả về y tế dự phòng và khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; duy trì thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế dân số và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương và Tỉnh giao; tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp CNTT trong hỗ trợ nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của Ngành và trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19; đẩy mạnh thực hiện làm việc trên môi trường mạng, áp dụng chữ ký số cá nhân trong trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị y tế với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh,…
(Nguồn: Công Sơn - Ngọc Phượng) |
CẬP NHẬT TIN TỨC DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP (nCoV)
Cập nhật lúc 07h20 ngày 7-2-2020:
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc.
* Thế giới: 30.814 người mắc, 639người tử vong, trong đó:
- Lục địa Trung Quốc: 637người tử vong;
- Phillippines: 01 người tử vong;
- Hồng Kông (Trung Quốc): 01 người tử vong.
* Việt Nam: 12 người mắc nCoV. Trong đó:
- 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện);
- 05 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi và xuất viện);
- 01 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (đã khỏi và xuất viện);
- 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc.
- 01 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
- 02 trường hợp: 1 người là mẹ, 1 người là em ruột của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
Điều trị khỏi: 03 người đã được xuất viện.
Nguồn : Bộ Y tế |
|
|